Đường bay vàng TP.HCM-Côn Đảo Sân_bay_Côn_Đảo

Từ nhiều năm trở lại đây, bay đến Côn Đảo là sân chơi riêng của Vasco, hãng bay thành viên của Vietnam Airlines. Do đặc thù đường cất hạ cánh ngắn của sân bay Cỏ Ống (dài 1850m) chỉ có máy bay ATR 72 có thể cất hạ cánh ở sân bay này, giúp hãng nghiễm nhiên độc quyền đường bay.

Vasco từng có đối thủ cạnh tranh với Air Mekong, tuy nhiên hãng bay này đã phá sản vào năm 2013. Phải tới năm 2020 khi Bamboo Airways mở đường bay đến Côn Đảo, Vasco mới lại có hãng bay cạnh tranh sau khoảng 7 năm một mình một sân.

Với phản lực khu vực cấu hình hơn 100 ghế, những chiếc Embraer E195 từ Bamboo Airways còn có lợi thế về tính kinh tế khi một slot bay có thể khai thác được nhiều khách bay hơn. ATR 72 của Vasco có cấu hình 68 ghế, đồng nghĩa mỗi chuyến bay bằng Embraer 195 chở được lượng khách gần gấp đôi.

Vasco có lợi thế về kinh nghiệm khai thác đường bay Côn Đảo. Đây là đường bay chủ lực của Vasco khi theo thống kê của Cục Hàng không, cả năm 2020 hãng bay này khai thác 8.754 chuyến bay, trung bình 24 chuyến/ngày thì trên đường bay Côn Đảo hãng đã khai thác với tần suất 20 chuyến/ngày.

Do đã khai thác lâu dài cùng đội bay 5 chiếc ATR 72, Cục Hàng không hiện ưu tiên Vasco về slot bay (khung giờ cất hạ cánh) trên các đường bay đến Côn Đảo, trong khi Bamboo Airways sẽ nhận phần slot bay còn lại, đây là lợi thế không nhỏ dành cho Vasco.

Thách thức này sẽ càng lớn hơn khi Bamboo Airways mở đường bay từ TP.HCM bắt đầu từ tháng 2. Dàn Embraer E195 của Bamboo Airways đang tăng mạnh về số lượng và lãnh đạo hãng cũng đã có tuyên bố về việc sẽ mở mạng bay tới những sân bay có đường bay ngắn mà Vasco đang độc quyền như Rạch Giá, Cà Mau hay Điện Biên.

Với việc chuẩn bị bay TP.HCM - Côn Đảo, Bamboo Airways đã trực tiếp tạo áp lực cạnh tranh lớn tới Vasco, khiến hãng bay thành viên của Vietnam Airlines buộc phải chuyển mình.